'Nhà bà Nữ' - nỗi lòng người con bị mẹ áp đặt
Lượt xem: 515
'Nhà bà Nữ' - nỗi lòng người con bị mẹ áp đặt
Sau thành công của Bố già (2021), Nhà bà Nữ gây chú ý từ giai đoạn công bố cuối năm ngoái. Ở tác phẩm mới, Trấn Thành tự đạo diễn, đồng biên kịch và góp mặt với vai phụ.
Tiếp tục chọn chủ đề gia đình, Trấn Thành khai thác mối quan hệ giữa mẹ với các con gái, con rể. Bà Nữ (Lê Giang đóng) - chủ một tiệm bánh canh cua - vốn là người mẹ khó tính, nặng gánh cơm áo gạo tiền. Từng bị phụ bạc, bà cấm cản con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân đóng) trước các mối quan hệ yêu đương. Cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John (Song Luân) - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận "trái đắng".
Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi, - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 22h, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn.
Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".
So với Bố già, kịch bản Nhà bà Nữ phức tạp hơn với nhiều tuyến nhân vật. Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận (Trấn Thành) và Ngọc Như (Khả Như) - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.
Trấn Thành nhường "đất" cho hai gương mặt chính - Uyển Ân và Lê Giang. Lần đầu đóng điện ảnh, Uyển Ân tạo thiện cảm với gương mặt, giọng thoại tự nhiên. Cô diễn tròn trịa tâm lý của một người con không muốn bước trên con đường do cha mẹ vạch ra, từ đó chọn cách phản kháng. Ở những cảnh khóc, Uyển Ân diễn chừng mực, tránh được lỗi cường điệu, sân khấu hóa. Lê Giang cũng làm nên bất ngờ với một nhân vật giàu tâm lý - khác các vai gây cười trước đó của chị. Nghệ sĩ khắc họa nỗi lòng người mẹ nhận ra mình thất bại khi nuôi con, nhưng không biết bản thân sai ở đâu.
Trấn Thành cho biết không ngại đưa các cảnh buồn vào phim Tết. "Nhiều người kiêng kỵ rơi nước mắt khi xem phim Tết nhưng tôi quan niệm nỗi buồn là một cảm xúc, không cần trốn tránh. Quan trọng là sau khi khóc xong, khán giả có thấy thỏa mãn, hài lòng với bộ phim", đạo diễn nói.
Điểm trừ của phim nằm ở lối quay thiếu chất điện ảnh. Đầu phim, đạo diễn có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn. Nhà bà Nữ không có những phân đoạn khiến khán giả nhớ - như cách Vũ Ngọc Đãng thực hiện cảnh tranh cãi dài bốn phút của cha con Ba Sang trong Bố già.
Phim cũng lạm dụng cảnh các nhân vật đả kích qua lại với âm lượng lớn, ồn ào. Như phim trước, tác phẩm mới của Trấn Thành bị mắc nhiều lỗi ở lời thoại, thiếu những quãng lặng để khán giả chiêm nghiệm. Một số nhân vật xuất hiện chỉ để gây cười, không đóng góp lớn vào kịch bản, như chàng YouTuber nói nhiều (Lê Dương Bảo Lâm).